"Số người sử dụng thực phẩm chức năng ngày càng tăng", Phó giáo sư Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam nhấn mạnh tại hội nghị quốc tế về thực phẩm chức năng, ngày 22/11.
Năm 2000, ước tính chỉ khoảng 500.000 người Việt biết và sử dụng thực phẩm chức năng, chủ yếu ở Hà Nội, TP HCM và một số đô thị lớn. Năm 2017, số người dùng thực phẩm chức năng đã tăng lên hơn 20 triệu (trên 21% dân số).
Những sản phẩm thực phẩm chức năng đầu tiên xuất hiện ở thị trường Việt Nam vào cuối năm 1999, hầu hết nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ. Năm 2000 chỉ 13 doanh nghiệp nhập khẩu với 63 sản phẩm. 16 năm sau 1.872 công ty kinh doanh với 3.447 sản phẩm, trong đó trên 56% là hàng sản xuất trong nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng ngành công nghiệp thực phẩm chức năng ở Việt Nam đang ở giai đoạn rất phát triển. Tuy nhiên các đơn vị sản xuất, kinh doanh, quảng cáo có nhiều vi phạm pháp luật.
Vi phạm phổ biến là quảng cáo sản phẩm sai sự thật, quảng cáo khi chưa được phép, thổi phồng công dụng, sản xuất không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm, hoặc sản xuất ở nơi không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm...
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị: "Phải sớm chuẩn hóa quy trình sản xuất thực phẩm chức năng an toàn".
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) nhìn nhận nhiều người dân tin vào quảng cáo "thực phẩm chức năng chữa bệnh". Do đó họ từ chối sử dụng thuốc chữa bệnh khiến bệnh ngày một nặng. Khi tới viện thì đã lỡ thời gian vàng chữa bệnh khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Nghị định 15 quy định từ ngày 1/7/2019, tất cả cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe nếu không đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) sẽ không được tiếp tục sản xuất. Do đó, theo Cục trưởng Phong, cơ sở sản xuất nào không đạt chuẩn GMP sẽ phải đóng cửa.