Tôi 65 tuổi, mắc đái tháo đường mấy năm nay. Gần đây, tôi nghe nhiều người nói ăn chay có thể chữa được bệnh đái tháo đường. Xin hỏi ăn chay có thực sự tốt cho bệnh nhân đái tháo đường không, thưa bác sĩ?
Nguyễn Thanh (Hà Nội)
Đái tháo đường là căn bệnh rối loạn chuyển hóa chất bột đường với hậu quả là đường glucose trong máu tăng cao, đái tháo đường lại liên quan mật thiết đến bệnh thừa cân, béo phì và tăng huyết áp. Do đó có thể nói rằng ăn chay chỉ có thể áp dụng cho người bệnh đái tháo đường nếu như đảm bảo được lượng dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh và không làm đường huyết của người bệnh tăng cao.
Tuy nhiên, ở nước ta một thực trạng không phải ai cũng biết đó là một tỷ lệ khá cao các nhà tu hành mắc đái tháo đường typ 2. Vậy tại sao việc áp dụng một chế độ ăn chay nghiêm ngặt lại khiến người ăn chay bị đái tháo đường? Khi ăn chay người ta sẽ ăn rất nhiều tinh bột thay chất đạm cho no bụng vì vậy việc kiểm soát đường huyết càng khó khăn, đặc biệt khi người bệnh chủ quan do nhầm tưởng ăn chay sẽ không làm đường huyết tăng cao. Có thể khẳng định ăn chay tuyệt đối không phải là biện pháp điều trị, thậm chí đôi khi sẽ làm thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết khiến cơ thể mất cân bằng nghiêm trọng gây nguy hiểm. Khi ăn chay, cơ thể có nguy cơ thiếu một số chất vi lượng cần thiết như vitamin B12 (có nguồn từ động vật), vitamin D và canxi (rất cần cho trẻ em đang lớn và người già, loãng xương), chất sắt và kẽm (các axit phytic, oxalic, tannic... trong thực vật sẽ cản hấp thu sắt).
Vì vậy, bác nên ăn ít tinh bột, nên bổ sung các vitamin và khoáng chất hoặc cũng có thể ăn chay tương đối, thỉnh thoảng có ăn thêm trứng, sữa, thịt, cá để cân bằng thành phần dinh dưỡng.