Thuốc bổ là một cách gọi nôm na của thuốc có chứa các vitamin và khoáng chất. Chỉ cần một lượng nhỏ thôi, nhưng các chất này lại rất cần thiết cho sự phát triển và hoạt động bình thường của cơ thể, nhất là đối với trẻ em lứa tuổi học đường. Tuy nhiên cần bổ sung các chất này như thế nào cho hợp lý, bởi việc thiếu hay thừa đều gây ra những rối loạn trong cơ thể.
Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng và tình trạng cơ thể bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến thức ăn, sử dụng thực phẩm không đảm bảo (rau bị héo, trái cây không còn tươi), bảo quản chế biến thực phẩm không tốt… cũng làm hao hụt các vitamin vốn có trong thực phẩm.
Bổ sung các vitamin và khoáng chất cũng cần có chỉ định của bác sĩ
Trong những trường hợp chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu vitamin và khoáng chất hàng ngày, đặc biệt trong giai đoạn tăng trưởng của cơ thể (tuổi dậy thì) hoặc bị ốm thì cần thiết phải bổ sung các vitamin và khoáng chất. Đối với trẻ béo phì (cần có chế độ ăn kiêng, ít chất béo) thì lại rất cần thiết phải bổ sung các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K để giúp cơ thể hấp thu chất tốt hơn. Nhưng việc bổ sung vitamin và khoáng chất này vẫn không thay thế được thức ăn, mà trẻ vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.
Khi bổ sung các vitamin và khoáng chất ta cũng cần phải hiểu được về vai trò tác dụng của các chất này, nhu cầu của cơ thể và bổ sung thế nào cho hợp lý. Những vitamin và khoáng chất đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ là vitamin A, vitamin D, canxi, sắt, kẽm…
Vitamin A
Vai trò của vitamin A không chỉ đối với sự tăng cường thị lực của mắt mà còn đối với cả hệ thống miễn dịch, tăng trưởng chiều cao, biểu mô, da và niêm mạc. Thiếu vitamin A, trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc; Làm tổn thương giác mạc mắt dẫn đến mù lòa; Làm tổn thương da và niêm mạc, giảm sức đề kháng với bệnh tật. Trẻ dễ bị nhiễm trùng nặng đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp dẫn tới tăng nguy cơ tử vong.
Vì vậy, cần bổ sung vitamin này trong bữa ăn hàng ngày bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A và beta-caroten như gan, trứng, sữa, cá, rau lá xanh thẫm, các loại quả có màu vàng, cam. Bữa ăn cần cân đối, đủ chất đạm, dầu mỡ giúp tăng cường hấp thu và chuyển hóa vitamin A. Bổ sung bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Không nên mua và sử dụng vitamin A một cách tùy tiện. Vì khi dùng thừa sẽ gây tích lũy và ngộ độc với các biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt ở người lớn, mệt mỏi, chậm tăng cân, tăng áp lực sọ não (thóp phồng căng, não úng tủy), đau xương… ở trẻ em.
Vitamin D
Vitamin D có vai trò như một “chất chuyên chở” gắn canxi vào xương, làm tăng hấp thu canxi và photpho ở ruột, tăng tái hấp thu canxi ở thận, tham gia vào quá trình canxi hoá sụn tăng trưởng… nên rất quan trọng trong sự phát triển bình thường hệ xương ở trẻ.
Khi thiếu vitamin D sẽ gây hậu quả còi xương, làm trẻ chậm lớn, chậm biết đi, chân vòng kiềng… và để lại di chứng sau này như biến dạng lồng ngực, gù, vẹo cột sống… Các biến chứng của xương làm giảm chiều cao, hạn chế chức năng hô hấp, thay đổi dáng đi và ảnh hưởng xấu đến sinh đẻ ở trẻ gái…
Vitamin D có nhiều trong dầu gan cá, bơ, trứng và gan… Nên ăn những thực phẩm giàu vitamin D này. Dùng thuốc (theo chỉ định của bác sĩ) khi khẩu phần ăn bị thiếu hụt, và trong các trường hợp còi xương do dinh dưỡng, còi xương do chuyển hóa và nhuyễn xương…
Dùng vitamin D với liều không vượt quá nhu cầu sinh lý thường không độc. Nhưng khi dùng quá liều có thể dẫn tới rối loạn chuyển hóa canxi, ngộ độc.
Canxi
Đây là thành phần quan trọng nhất của xương (99% lượng canxi của cơ thể nằm trong xương). Canxi không chỉ quan trọng giúp phát triển chiều cao, kiến tạo xương và răng mà còn là một phần không thể thiếu đối với hệ thần kinh, cơ bắp (hoạt động co giãn) và hệ thống miễn dịch.
Nếu trẻ thiếu canxi sẽ gây nên tình trạng còi xương, chậm tăng trưởng, giảm trọng lượng xương, co cứng cơ, co giật các cơ, máy mắt… Ở tuổi thiếu niên, thiếu canxi thường có biểu hiện thần kinh suy nhược hay quên, không tập trung tinh thần, quá trình ghi nhớ, tư duy bị sút kém, trẻ chậm phát triển tinh thần, trí tuệ. Trong thời kỳ phát triển mạnh như giai đoạn dậy thì, nhu cầu canxi và các dưỡng chất cần thiết cho phát triển sụn và giúp xương dài ra không được cung cấp đủ, cũng thường gặp những cơn nhức mỏi, nhất là đau dọc các xương dài, có thể kèm theo tê mỏi chân tay, chuột rút... Thiếu canxi còn gây tình trạng rối loạn tiêu hóa (chán ăn, đầy bụng, táo bón hoặc tiêu lỏng), suy nhược, làm ảnh hưởng tới tim mạch, huyết áp… sau này.
Vì vậy, trẻ em cần phải được bổ sung canxi trong suốt quá trình phát triển của chúng từ giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ đến trưởng thành. Canxi cần thiết và quan trọng là vậy nhưng cơ thể lại không thể tự tổng hợp được mà cần được cung cấp từ thức ăn. Trường hợp không thể cung cấp đủ nhu cầu canxi qua thực phẩm, có thể phải bổ sung bằng thuốc canxi uống theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên không nên lạm dụng, không dùng quá liều, không dùng thời gian kéo dài khi không có chỉ định của bác sĩ để tránh những tác động có hại do thừa canxi (sỏi tiết niệu, vôi hóa động mạch, rối loạn canxi máu và rối loạn nhịp tim).
Để bổ sung canxi một cách hiệu quả, nên dùng canxi kèm với vitamin D. Uống vào buổi sáng hoặc trưa, không nên uống vào buổi chiều, tối (vì sẽ gây khó ngủ) và nên uống sau bữa ăn khoảng một giờ. Không dùng chung canxi với tất cả các loại sữa và chế phẩm của sữa.
Sắt
Sắt là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin (làm cho hồng cầu có màu đỏ), và vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể. Nếu thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu, cơ thể sẽ mau mệt mỏi, kém tập trung, trí nhớ kém, hay quên. Ở trẻ lớn bị thiếu máu thiếu sắt này trẻ mệt mỏi hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến học tập sút kém. Nếu thiếu sắt xảy ra trong giai đoạn sớm của cuộc đời, nhất là trong những tháng đầu tiên, sẽ ảnh hưởng đến chỉ số phát triển tâm thần - vận động về sau. Trẻ thiếu sắt càng nhiều và càng lâu thì trí thông minh càng kém, sự phát triển vận động càng chậm chạp.
Biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt là da xanh niêm mạc nhợt ( đặc biệt là niêm mạc mắt và môi) móng tay móng chân nhợt nhạt, móng tay dễ gày biến dạng, tóc khô cứng dễ gãy, trẻ thiếu máu thường biếng ăn chậm lớn, còi cọc, táo bón, ăn hay nôn trớ. Xét nghiệm máu là cách tốt nhất để chẩn đoán thiếu máu. Hiện nay, tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em Việt Nam rất lớn, tới 30% trẻ dưới 5 tuổi. Cần ăn nhiều thức ăn giàu sắt như thịt nạc, gan và bổ sung bằng thuốc khi cần thiết (theo chỉ định của bác sĩ).
Kẽm
Kẽm tham gia vào rất nhiều thành phần các enzym trong cơ thể, giúp tăng tổng hợp protein, phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em. Kẽm kích thích hoạt động của khoảng 100 enzym, là những chất xúc tác phản ứng sinh hóa trong cơ thể, giúp phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành, giúp bảo vệ vị giác và khứu giác và cần thiết cho sự tổng hợp DNA. Thiếu kẽm, sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng, gây biếng ăn do rối loạn vị giác. Trong các vi chất dinh dưỡng, kẽm là một vi khoáng được chứng minh có vai trò quan trọng đặc biệt cho phát triển chiều cao, cơ bắp, thần kinh và miễn dịch của trẻ những năm đầu đời.
Tuy nhiên, thiếu kẽm hiện đang là vấn đề phổ biến trong cộng đồng, đặc biệt là ở những nước nghèo, có chế độ ăn chủ yếu là ngũ cốc, ít thức ăn động vật. Dấu hiệu thiếu kẽm thường thấy là ăn không ngon, vị giác bất thường, rụng tóc, tiêu chảy kéo dài, thương tổn ở da và mắt, chậm lớn, cơ quan sinh dục chậm trưởng thành và bất lực. Thiếu kẽm cũng gây ra sụt cân, thiếu máu, chậm lành vết thương và kém minh mẫn.
Nếu thiếu kẽm cơ thể sẽ chậm và ngừng phát triển, sự phân chia tế bào sẽ khó xảy ra nên ảnh hưởng trầm trọng đến sự tăng trưởng .Trẻ em thiếu kẽm thường biếng ăn, còi cọc và chậm lớn. Bổ sung kẽm cho trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi (kém phát triển về chiều cao), có tác dụng phục hồi rõ rệt cả về tốc độ phát triển chiều cao và cân nặng.
Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..). Trường hợp có thể bị thiếu kẽm cần bổ sung bằng thuốc. Để tăng hấp thu kẽm, nên bổ sung cùng với thức ăn giàu vitamin C.