Nâng cao sức khỏe hệ hô hấp trong mùa dịch là một trong những chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Bởi COVID - 19 là bệnh lây chủ yếu qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, thở ra. Chính vì vậy, nâng cao sức khỏe hệ hô hấp chính là “pháo đài vững chắc” bảo vệ cơ thể bạn khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Các yếu tố đe dọa đến sức khỏe hệ hô hấp
Một số vấn đề về hô hấp có thể dễ dàng điều trị nếu chúng được chẩn đoán đúng và phát hiện kịp thời. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh nó. Các yếu tố quan trọng nhất liên quan đến sức khỏe đường hô hấp bao gồm di truyền, hút thuốc, ô nhiễm không khí và béo phì.
Hệ thống hô hấp bao gồm mũi, họng, khí quản và phổi. Trong đó, phổi có nhiệm vụ đưa không khí vào cơ thể khi bạn thở. Trong phổi, oxy từ mỗi hơi thở được chuyển vào máu và được gửi đến tất cả các tế bào của cơ thể như một nhiên liệu duy trì sự sống. Phổi được coi như tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ hô hấp. Nó khác với hầu hết các cơ quan khác trong cơ thể vì các mô mỏng manh của chúng được kết nối trực tiếp với môi trường bên ngoài. Bất cứ thứ gì bạn hít vào (bao gồm vi trùng, khói thuốc lá và các chất độc hại như bụi và hóa chất) đều có thể ảnh hưởng đến phổi. Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, các bệnh liên quan đến đường hô hấp có thể bao gồm từ dị ứng và hen suyễn đến viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và thậm chí là ung thư phổi.
Nguy hiểm từ khói thuốc và khói thuốc thụ động
Hút thuốc từ lâu đã là nguyên nhân chính gây ra bệnh đường hô hấp. Nhưng các nghiên cứu mới cho thấy hút thuốc lá thụ động có thể gây ra các vấn đề tương tự như hút thuốc trực tiếp. Khói thuốc có thể làm tăng 30% tỷ lệ mắc bệnh tim và tăng mạnh nguy cơ ung thư phổi và nhiễm trùng phổi. Đối với trẻ em, những nguy hiểm còn lớn hơn và bao gồm sự phát triển của bệnh hen suyễn và COPD sau này trong cuộc sống.
Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng tai và xoang, bệnh răng miệng và nhiều biến chứng lâu dài như ung thư và bệnh tim mạch. Cũng có giả thuyết cho rằng hút thuốc khi mang thai có thể có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý [ADHD].
Chứng ngưng thở lúc ngủ
Sức khỏe đường hô hấp kém cũng có thể dẫn đến các vấn đề khác, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ. Một trong những dấu hiệu nhận biết tình trạng này bao gồm khó thở, thậm chí ngừng thở trong khi ngủ làm giảm lượng oxy cung cấp đến tim và não. Đó không chỉ là vấn đề của việc thiếu ngủ mà còn là một giấc ngủ không sâu giấc khiến bạn cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau. Do lượng oxy giảm xuống lặp đi lặp lại gây ra bởi chứng ngưng thở khi ngủ, nó có thể dẫn đến tăng áp động mạch phổi, gây khó thở, tim to và sưng tứ chi, đồng thời có thể làm giảm tuổi thọ đáng kể.
Lối sống thiếu lành mạnh
Như đã nói ở trên, bên cạnh tác nhân khói thuốc, béo phì và ô nhiễm không khí cũng khiến bạn gặp rắc rối về hệ hô hấp. Đừng nên bỏ qua các triệu chứng hô hấp như khó thở hoặc ho không dứt. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID - 19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, bạn cần sự tư vấn của bác sĩ để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nếu bạn đang thực hiện chế độ ăn uống thiếu khoa học, dẫn đến việc không kiểm soát được cân nặng, béo phì, hãy thay đổi ngay để cải thiện sức khỏe hệ hô hấp. Bên cạnh đó, yếu tố bụi bẩn, ô nhiễm không khí nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ gây nguy hiểm đến đường hô hấp.
7 cách để nâng cao sức khỏe hệ hô hấp trong mùa dịch
Ngừng hút thuốc và tránh xa khói thuốc
Từ bỏ thói quen hút thuốc là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình bạn khỏi nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Đặc biệt nếu gia đình có trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, khói thuốc sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe hệ hô hấp của họ.
Tránh ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời
Ô nhiễm không khí có thể coi là nguyên nhân khách quan. Chúng ta không thể một mình thay đổi, nhưng hoàn toàn có thể chủ động hạn chế ảnh hưởng của vấn đề này. Đeo khẩu trang và sử dụng đồ bảo hộ trước khi ra ngoài sẽ giúp bạn tránh hít phải khói bụi ô nhiễm bên ngoài.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội hiện nay cũng là cơ hội để bạn có thể tránh được nguy cơ hệ hô hấp bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm bên ngoài. Hãy ở nhà và hạn chế tối đa việc đi ra ngoài. Trồng thêm cây xanh xung quanh nhà, luôn dọn dẹp, thông thoáng nhà cửa để tạo bầu không khí trong lành cho ngôi nhà bạn.
Tránh tiếp xúc với những người bị cúm hoặc các bệnh nhiễm vi rút khác
Các bệnh về đường hô hấp rất dễ lây lan. Đặc biệt là COVID - 19 với những biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh chóng với những hậu quả nghiêm trọng hơn các biến chủng khác. Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, đặc biệt những người đang có bệnh cúm hay các bệnh hô hấp với biểu hiện ho, khó thở hay sốt,...
Tập thể dục thường xuyên
Tập luyện thể lực là cách đơn giản nhất để tăng cường sức khỏe hệ hô hấp, bởi quá trình vận động đòi hỏi tăng nhu cầu oxy và dinh dưỡng ở các mô cơ. Vì vậy, hệ hô hấp và tuần hoàn phải tăng cường hoạt động, dẫn đến những biến đổi về cấu trúc của tim phổi để phù hợp với chức năng, cải thiện sự giãn nở của lồng ngực, cải thiện lực và sức bền của các cơ hô hấp giúp tăng thể tích và độ sâu hô hấp, tăng thông khí phổi, tăng cường quá trình trao đổi oxy ở phổi.
Trước tình hình dịch bệnh COVID - 19 đang diễn biến phức tạp, điều kiện tập luyện gặp nhiều khó khăn, việc tập luyện ngoài trời, các khu vực công cộng hay phòng tập là điều không được phép. Vậy, bạn hãy tận dụng một số không gian tại chỗ trong nhà, sân, vườn, thực hiện những hình thức tập luyện đơn giản, các bài tập thở, giúp nâng cao sức khỏe thể chất nói chung và cải thiện sức khỏe hệ hô hấp nói riêng.
Các bài tập sức bền như aerobic, đi bộ, chạy,... hoặc các bài tập sức mạnh như nâng tạ, kéo xà, chống đẩy,...đặc biệt cho nhóm cơ hô hấp như cơ sườn ngực, cơ hoành và các nhóm thân, chi trên, cơ vai, lưng, tay cần được ưu tiên. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các bài tập thở có tác dụng bổ trợ, làm giãn nở lồng ngực, giúp nâng cao năng lực hô hấp và khả năng gắng sức.
Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
Chế độ ăn uống lành mạnh nhất khi bạn hạn chế các đồ chiên, nhiều dầu mỡ hay thực phẩm qua chế biến quá nhiều lần. Đồng thời cần tăng cường bổ sung rau xanh và hoa quả trong mỗi bữa ăn. Xem thêm 5 nhóm thực phẩm nâng cao sức khỏe trong mùa dịch bạn nên biết tại đây!
Duy trì cân nặng hợp lý
Béo phì sẽ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe hệ hô hấp. Chính vì vậy, duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp bạn bảo vệ đường hô hấp luôn mạnh khỏe. Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh cùng chế độ tập luyện hợp lý sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh và cân đối.
Khám sức khỏe định kỳ
Nhiều người chủ quan với việc khám sức khỏe định kỳ. Họ thường có xu hướng tự chữa bệnh khi gặp một vài triệu chứng nhẹ và lơ đi những căn bệnh tiềm ẩn trong mình. Khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần sẽ giúp bạn sớm phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn sẽ nhận được lời khuyên từ bác sĩ để có thể bảo vệ và nâng cao sức khỏe bản thân tốt nhất.
Tình trạng dịch bệnh hiện nay trở thành rào cản trong việc khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải những triệu chứng thất thường về đường hô hấp, chẳng hạn như ho, khó thở, hãy đến cơ sở y tế gần nhất và thực hiện các biện pháp 5K để bảo vệ bản thân và được thăm khám kịp thời.
Nâng cao sức khỏe hệ hô hấp là cách bạn đang tạo ra “pháo đài vững chắc” để bảo vệ cơ thể trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuân thủ nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội và thông điệp 5K + Vắc xin để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh!
Theo dõi Medistar Việt Nam để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé!