Chi tiêu cho dược phẩm tăng gấp đôi
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng khá lạc quan, năm 2017 doanh thu của thị trường trong nước ước đạt 5,2 tỷ USD (theo số liệu của Business Monitor International - BMI), tăng khoảng 10% so với năm trước và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới.
Khi dân số càng tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, dân trí được cải thiện, nhu cầu sử dụng thuốc của người dân sẽ ngày càng lớn. Chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85 USD trong năm 2005 lên đến 22,25 USD trong năm 2010 và con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2015 (37,97 USD). Mức tăng trưởng trung bình trong chi tiêu dành cho thuốc hàng năm đạt 14,6% trong giai đoạn 2010-2015 và duy trì ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025.
Chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người tại Việt Nam từ năm 2005 và dự báo đến năm 2027 (Đơn vị: USD/người). Nguồn: Theo International Journal of Environmental Research and Public Health; MDPI.
Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp dược Việt Nam về thực trạng hoạt động và đánh giá tiềm năng tăng trưởng toàn ngành dược, gần 75% doanh nghiệp dự đoán tăng trưởng ngành trên 10%, số doanh nghiệp còn lại chọn tăng trưởng dưới 10% và không có doanh nghiệp nào chọn “không thay đổi” hay “xấu hơn năm 2016” cho thấy các doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng kinh doanh trong năm 2018.
Triển vọng tăng trưởng trong năm 2018
Thị trường dược phẩm đang được đánh giá là một “mảnh đất trù phú” thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại, các tập đoàn quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những nhà đầu tư trong nước hoạt động ngoài ngành.
Năm 2018, bối cảnh ngành dược được dự đoán sẽ thay đổi mạnh mẽ với sự tham gia của những ông lớn trên thị trường bán lẻ, phân phối như Thế giới Di động, FPT Retail, Digiworld, Nguyễn Kim. Bên cạnh đó, sự gia nhập ồ ạt của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài vào khâu sản xuất tại Việt Nam như Sanofi, Taisho, Abbott… cũng đang tạo ra áp lực khá lớn với các doanh nghiệp dược trong nước. Mức độ cạnh tranh trong thị trường dược những năm tới được đánh giá sẽ diễn ra khốc liệt hơn trên hầu hết các phân khúc thị trường.
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp dược, tháng 12/2017.
Trong năm 2018, 83% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định, nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới sẽ là chiến lược ưu tiên đầu tiên. Rõ ràng, khi thị trường dược phẩm Việt Nam ngày càng có sự phân hóa sâu sắc, việc đẩy mạnh nghiên cứu, cho ra đời những loại thuốc có chất lượng, giá thành cạnh tranh với thuốc ngoại, mang giá trị của Việt Nam đang được các công ty dược lưu tâm hàng đầu.
Kết hợp với nâng cao chất lượng dược phẩm, các doanh nghiệp trong ngành đồng thời đặt mục tiêu mở rộng, chiếm lĩnh thị phần. Có 67% doanh nghiệp phản hồi sẽ phát triển, mở rộng kênh OTC trong năm tới, củng cố sức mạnh thông qua hệ thống phân phối bán lẻ.
Nhận định của doanh nghiệp dược về chiến lược, dự định ưu tiên trong năm 2018. (Đơn vị: %). Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp dược, tháng 12/2017.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp trong ngành dược, hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho rằng các quy trình đấu thầu, hệ thống hành lang pháp lý được hoàn thiện và minh bạch hóa, hay một nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định là những mục tiêu cấp thiết nhất hiện nay. Ngoài ra, việc tuyên truyền hiệu quả về vấn đề sử dụng thuốc, về hoạt động đầu tư và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cũng là những chính sách cần được ưu tiên.
Đặc biệt, theo chuyên gia trong ngành, trong bối cảnh xu hướng công nghệ đang lan tỏa mạnh mẽ thì có được những chính sách khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả đầu ra sẽ là “đòn bẩy” để nâng tầm ngành dược quốc gia trong tương lai.
Nguồn Brandsvietnam