Hướng dẫn xử trí nhanh 3 hiện tượng hay gặp khi trời rét đậm!
Thời tiết lạnh giá trong những ngày sắp tới có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã cảnh báo trong vài ngày tới đây, miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh với cường độ cực mạnh. Chúng ta cần trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình để đối phó với đợt lạnh này.
Trời trở lạnh, đặc biệt là rét đậm, không chỉ các đối tượng như người già, trẻ nhỏ, mà cả những người khỏe mạnh cũng dễ gặp phải các hiện tượng như tê cóng hay hạ thân nhiệt. Những hiện tượng này nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, nguy hiểm nhất là dẫn đến tử vong. Bài viết này, Medistar Việt Nam sẽ hướng dẫn bạn xử trí nhanh khi gặp phải những hiện tượng trên!
Tê cóng là hiện tượng phổ biến nhất. Nó là sự đóng băng của da và mô cơ thể, xảy ra sau khi tiếp xúc lâu với môi trường lạnh. Tê cóng sẽ gây mất cảm giác và màu sắc ở những vùng bị ảnh hưởng, có thể làm tổn thương vĩnh viễn các bộ phận trên cơ thể nếu không được điều trị kịp thời.
Tê cóng là hiện tượng dễ gặp nhất khi thời tiết lạnh giá
Các dấu hiệu, triệu chứng của hiện tượng tê cóng:
- Bất cứ sự đổi màu nào của da như đỏ bừng, trắng, vàng hoặc xanh lam tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc.
- Có thể bị rộp da
- Thiếu cảm giác hoặc tê, mất cảm giác.
Nên xử trí như thế nào khi bị tê cóng?
Điều đầu tiên cần cách ly với giá lạnh, làm nóng vùng da này một cách dần dần, đây là chìa khóa để điều trị tê cóng. Có thể sưởi ấm các vùng như tai, mặt, mũi, các ngón tay, ngón chân bằng hơi thở ấm của mình hoặc áp phần chân tay có quần áo ấm vào nơi da bị lộ ra ngoài. Tránh để phần cơ thể bị cóng nhiễm lạnh thêm. Nếu có thể, ngâm vùng tê cóng vào nước ấm trong 10 - 15 phút. Cũng có thể sưởi ấm bàn tay tê cóng vào vùng ấm hơn (chẳng hạn như chăn ấm hoặc nơi kín gió).
Chú ý: Không hơ lửa sưởi ấm lại ngay vùng bị tê cóng. Không chà xát hoặc xoa bóp phần cơ thể bị tê cóng để tránh gây tổn thương cho các mô. Nếu có thể, tránh đi lại khi chân bị tê cóng.
Nếu bị rộp da khi sưởi, không bóc da vùng bị rộp. Da có thể bị tấy đỏ, bỏng, nóng rát hoặc rất đau.
Hạ thân nhiệt là một hiện tượng phổ biến không kém gì tê cóng khi cơ thể tiếp xúc lâu với môi trường lạnh hoặc ẩm ướt trong thời gian dài khiến lượng nhiệt cơ thể sinh ra thấp hơn lượng nhiệt mất đi.
Các dấu hiệu của hiện tượng hạ thân nhiệt bạn nhất định phải biết:
- Lạnh và rùng mình liên tục
- Lú lẫn, mất trí nhớ, mất thăng bằng, nói lắp
- Buồn ngủ, kiệt sức, mạch chậm và không đều
- Mất ý thức
Hạ thân nhiệt cũng là vấn đề nguy hiểm tới sức khỏe khi trời rét đậm
Cách xử trí tại chỗ đối với bệnh nhân bị hạ thân nhiệt:
Khi thấy có người bị hạ thân nhiệt, trước tiên hãy gọi xe cấp cứu để đưa đến cơ sở y tế. Trong lúc chờ đợi, hãy thực hiện ngay các hướng dẫn sau:
- Cởi bỏ lớp quần áo ướt thay bằng quần áo khô ráo
- Sưởi ấm: Đắp nhiều lớp chăn khô hoặc áo choàng, sau đó sưởi ấm bằng nệm nước ấm và đặt bệnh nhân nằm ở những nơi tránh gió lùa, che kín đầu bệnh nhân
- Cho bệnh nhân uống nước ấm hoặc uống cháo nóng, đồ uống không chứa caffein
- Theo dõi nhịp thở của bệnh nhân để có thể hà hơi thổi ngạt kịp lúc khi có biểu hiện thở chậm
- Không nên chườm nóng trực tiếp hoặc dùng đèn sưởi, đệm sưởi làm ấm ngay, không cố làm ấm tay và chân vì sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi dẫn đến hạ thân nhiệt trung tâm và tử vong
- Không chà xát, xoa bóp quá mạnh để tránh nguy cơ ngừng tim.
Ngộ độc carbon monoxide là nguy cơ rất cao có thể đến trong những ngày tiết trời lạnh giá. Nó xảy ra khi lượng carbon monoxide tích tụ quá nhiều trong một không gian kín và thông khí kém. Carbon monoxide sinh ra khi chúng ta đốt khí hoặc các sản phẩm xăng dầu, gỗ và các loại nhiên liệu khác (chẳng hạn như than) để sưởi ấm trong phòng.
Mặc dù các dấu hiệu của ngộ độc carbon monoxide khá tinh tế, nhưng nó lại đe dọa tính mạng con người nghiêm trọng và cần được cấp cứu ngay khi gặp phải. Một số triệu chứng của ngộ độc khí carbon monoxide có thể bao gồm:
- Chậm chạp, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn
- Khó chịu, đau thắt ngực.
- Mất ý thức.
Ngộ độc carbon monoxide có thể đặc biệt nguy hiểm cho những người đang ngủ hay say rượu, có thể gây tử vong đột ngột bởi không thể nhận ra các dấu hiệu và xử lý kịp thời.
Nếu nghi ngờ đã tiếp xúc với carbon monoxide, vào nơi không khí trong lành ngay lập tức và đến ngay cơ sở y tế khẩn cấp. Nếu gặp nạn nhân nhiễm độc carbon monoxide, nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc.
Ngộ độc carbon monoxide có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời
Nếu bệnh nhân thở yếu, ngưng thở, hô hấp nhân tạo bằng phương tiện hiện có tại chỗ, hô hấp nhân tạo trực tiếp hoặc cung cấp oxy 100% càng sớm càng tốt nếu có điều kiện.
Lời khuyên dành cho bạn khi thời tiết cực lạnh:
- Tốt nhất nên ở trong nhà nếu có thể
- Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy mặc nhiều lớp quần áo rộng rãi. Nên mặc áo chắn gió, chắn nước bên ngoài, đồng thời dùng khẩu trang, khăn, găng tay để che kín các phần miệng, cổ và tay.
- Không nên sử dụng đồ uống có cồn vì sẽ khiến mất nhiệt nhanh hơn
- Cơn rùng mình là hiện tượng đầu tiên chứng tỏ bạn đang mất nhiệt, hãy nhanh chóng trở về nhà hoặc vào nơi kín, khuất gió để tránh hiện tượng hạ thân nhiệt.
Không thể chắc chắn rằng bạn và những người xung quanh không gặp phải các hiện tượng trên. Nhất là khi đợt rét đậm sắp tới có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng. Đặc biệt, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những hiện tượng này. Ngoài việc giữ ấm cơ thể, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và một chế độ tập luyện khoa học, bạn cần trang bị ngay những kiến thức bổ ích mà Medistar cung cấp phía trên.
Chúc bạn và gia đình có thể bảo vệ sức khỏe để có kỳ nghỉ Tết dương lịch sắp tới an toàn, trọn vẹn và thật ý nghĩa!
Nguồn tham khảo: Weather.gov