Bánh chưng, chè kho là hai món ăn truyền thống của nhân dân ta ở nhiều địa phương. Ăn bánh chưng với chè kho rất ngon, làm tăng thêm hương vị của miếng bánh chưng lên nhiều. Nguyên liệu để nấu chè kho ngoài đậu xanh, đường kính và vừng trắng ra, không thể thiếu thảo quả.
Để chuẩn bị nấu chè kho cần ngâm đậu xanh, đãi sạch vỏ, phơi ráo nước rồi đem rang cho tới lúc hạt đậu có rám vàng sẽ đem đậu xay thành bột mịn. Vừng được rang chín, xát sạch vỏ. Đem thảo quả khô, giã nhỏ và rây lấy bột. Cho bột đậu cùng đường kính (lượng hai thứ bằng nhau) và thảo quả khấy đều với nước lọc. Đặt lên bếp lửa đun và khuấy đều tay cho đến lúc chè đặc quánh và ráo xoong là được. Đổ chè ra đĩa mỏng hoặc đổ vào những khuôn có hình hoa, rồi rắc vừng lên trên. Chè kho ăn nguội và thường ăn với bánh chưng, khi ăn cắt chè thành những miếng nhỏ.
Ngoài tác dụng làm gia vị để chế biến món ăn, thảo quả còn là một cây thuốc quý. Cây thảo quả là một loại cây thảo sống lâu năm. Cây cao khoảng 2-3 mét, thân rễ mọc ngang có đốt, đường kính 3-4cm, phía ngoài màu hồng, giữa màu trắng, thơm, mẫm. Lá mọc so le, dài 70cm, rộng 18-20cm, có cuống ngắn, bẹ lá có khía dọc, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt hơn. Cụm hoa hình bông, mọc ở gốc dài 13-20cm, có mang những bông hoa màu đỏ nhạt. Quả có cuống ngắn, mọc thành chùm sít nhau, hình tròn hay hình nón, đường kính 1,5-2cm, màu đỏ thẫm, chứa nhiều hạt hình tháp ép vào nhau, rất thơm. Quả này khi phơi khô sẽ dài ra, co lại và nhăn nheo theo chiều dọc. Cây ra hoa về mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 7), có quả vào mùa đông (tháng 10-12). Thảo quả mọc hoang và được trồng ở vùng núi cao hơn 1.000m, có khí hậu mát lạnh, dưới tán rừng cây to, đất ẩm nhiều mùn thuộc các địa phương vùng núi Hoàng Liên Sơn và vùng Tây Bắc nước ta, như ở các huyện vùng cao thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu... có những nơi có sản lượng thảo quả rất lớn như huyện Bát Xát (Lào Cai). Bộ phận được dùng làm thuốc là hạt thảo quả. Vào mùa đông (tháng 11, 12, 1) người ta hái quả chín vàng, đem về phơi khô hay sấy khô, khi dùng đập bỏ vỏ ngoài lấy hạt. Cũng có nơi lấy cám gạo hòa với nước cho sền sệt, bao chung quanh quả, nướng cho cháy cám rồi đập bỏ vỏ ngoài, lấy hạt dùng.
Theo Đông y, thảo quả có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng trục hàn, ráo thấp, trừ đờm, ấm bụng, tiêu tích, giúp ăn ngon miệng. Trong nhân dân ta, thảo quả được dùng chủ yếu làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa nôn mửa, ngực bụng chướng đau, ho, sốt, tiêu chảy. Liều dùng mỗi ngày 3-6g, tán bột uống.